Thứ Năm, 18 tháng 2, 2010
Ăn bánh tét
Trở lại chuyện bánh tét, trong nam hay làm bánh tét ngoài bắc lại làm bánh chưng. Ta vẫn thích bánh tét hơn. Bánh tét cũng như bánh chưng, ai cũng gói được nhưng để bánh đẹp, ngon thì cần kinh nghiệm và khéo tay, bánh tét phải tròn, đều, nhân nằm gọn chính giữa. Gói bánh chặt quá thì khó chín và dễ lại bánh, gói không chặt thì miếng bánh cắt ra nhìn không ngon và khó để lâu, dễ bị hư. Ăn bánh tét rất tiện, có thể đó là tính thích nghi tốt của người miền Nam chăng. Này nha, chỉ cần lột 1 đầu bánh, ăn tới đâu tét tới đó, 1 lát hay 5, 7 lát cũng được, dùng chính sợi dây lạt gói bánh để tét ra từng miếng. Sau đó dùng chính lớp lá bên ngoài gói phần bánh còn lại, gói kỹ kỹ để lần sau ăn tiếp. Rất tiện lợi trong việc ăn và để dành. Và rất công bằng, miếng bánh của ai cũng như nhau, chỉ trừ 2 miếng đầu không có nhân. Ăn ngay cũng được mà chiên lên cũng được, còn món nào ngon hơn thì tuỳ miệng ăn. Ăn với dưa món củ kiệu, hay nước mắm ớt cũng được nếu không có dưa món & củ kiệu, bánh tét chiên có thể ăn với tương ớt cũng rất ngon
**
Hihi, ta không khéo tay nhưng cái gì cũng xớ rớ vào làm cho biết, gặp mấy người nổ bạo mà chưa từng mó tay vào là biết liền. Ta chỉ có cái khoản ăn thì khéo, nói chính xác là ham ăn, cái món nào cũng ăn thử, cũng may là ta tốt bụng nên ăn món lạ cũng không trực chỉ hướng toilet hoài.
Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010
Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2010
Ngày Valentine, nhớ lại
Chuyện một người quen, từ xưa ơi là xưa.
Ngày ấy, 1 ngày mưa tầm tã, mưa như trút nước. Nàng nghe người bạn kể lại rằng chàng đã mất. Sau khi cãi nhau, nàng đuổi chàng một mạch và tuyên bố không muốn nhìn mặt chàng nữa, chỉ vì chàng ghen tuông vô lối. Y như chuyện trẻ con. Chàng về, và như người mất hồn. Chàng đi ngoài đường mà nghĩ ngợi gì đó hay là xui xẻo cũng nên, không biết và sẽ không bao giờ biết lý do, nhưng có điều chắc chắn là chàng không bao giờ chủ đích tự lìa bỏ cuộc đời, vì tính cách chàng như vậy, thế là tông xe, thế là tai nạn, thế là vĩnh biệt. Nghe, nàng không biết gì nữa, không nói, không chào cứ vậy mà ra nhà xe của trường đại học dắt xe ra, đi như 1 người vô hồn, mặc trời mưa tầm tã, nàng cứ vậy mà đi, không nón, không áo mưa. Người bạn sợ quá vội chạy theo. Nàng đạp xe từ trường về hơn 6 cây số mà không hề cảm thấy nước mưa nhỏ lên mặt mình, lên người mình. Cả người nàng như tê dại đi, không còn cảm giác, nàng không khóc được nữa hay là nước mắt tan trong nước mưa, nàng không biết nữa. Chàng đã làm như nàng muốn, không bao giờ cho nàng nhìn thấy mặt mình nữa.
Thứ Năm, 11 tháng 2, 2010
Mừng năm mới
Nghỉ tết, đi chúc tết, đi chơi, ăn, ngủ, nói chuyện tào lao, lì xì, hehe năm nay có ai lì xì cho ta không há, lâu quá trời rồi, mười mấy năm rồi ta toàn đi lì xì không hà. Năm nay ta kiếm 1 cành cây gắn bao lì xì trên đó trong đó bỏ tiền 500, 1000, 2000, 5000, 10.000, 20.000 đồng (dĩ nhiên rồi, tiền lì xì lớn phải bỏ trong bóp), trẻ con cứ tự động tới hái bao lì xì. Hên thì được tiền to, hên hơn thì được tiền 500 đồng vì là hàng hiếm, cái gì hiếm thì quý mà. Chỉ có hơi cực là canh chừng tụi nhỏ vì tụi nó tự động lì xì cho mình nhiều lần thì hết trụi cả cây, hihi. Cây này chắc đẹp mà rẻ hơn nhiều so với mấy cây thiệt, vài xấp 500, 1000, 2000 đồng thấy hoa cả mắt. Trời, đồng bạc, nhỏ hơn bông mai.
Chúc mừng năm mới. Tết ra chắc mập ú vì toàn ăn, chơi rồi ngủ. Năm nay lạ, mấy năm trước người ta toàn cho cái khác không tự dưng năm nay cho rượu.
Thứ Tư, 10 tháng 2, 2010
Linh tinh ngày cuối năm
tết, người ta chi tiêu phung phí, mua sắm đủ thứ để rồi những ngày thường chắc bóp từng đồng từng cắc một
tết, người ta nghỉ ngơi, "nghỉ tết mà" nhưng mà chẳng rảnh chút nào, đi thăm và chút tết hết nhà này đến nhà khác rồi lại ở nhà đón người ta đến chúc tết
tết, người ta mua sắm thật nhiều để mời người khác ăn và rồi để đến ngày thường người ta ghen tỵ, giành nhau từng miếng ăn một
hì hì, ta vẫn thấy tết thật vui vì mọi người được sum họp.
Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2010
Cháo
Ngày 23 tháng chạp
Ngày 23 tháng chạp là ngày đưa ông Táo về trời. Nghĩ linh tinh, xứ ta xưa kia theo kiểu phong kiến, phu xướng phụ tuỳ, trai năm thê bảy thiếp gái chính chuyên một chồng. Nhưng thấy cũng lạ, lạ từ chỗ bếp. Nhà bếp được coi là nơi quan trọng nhất trong nhà, là nơi ấm cúng, là nơi tiền tài. Coi nhà người ta coi chỗ làm phòng bếp, coi phòng bếp người ta coi chỗ để bếp, nghĩa là cái bếp là cái quan trọng trong nhà, theo quan niệm xưa nay. Vậy mà Ông Táo là 2 ông 1 bà ""Thế gian một vợ một chồng, không như vua bếp hai ông một bà". Như vậy dù phong kiến đến đâu người ta cũng coi trọng cái nghĩa cái tình.
Đọc blog tiếng ta
Ta đọc blog từ khá lâu, có thể là từ lúc nó mới khóc oe oe chào đời, thấy cũng có nhiều cái hay. Báo chí tiếng ta thì ít có tin tức mà phần lớn là cái "tưởng là tin tức" hay "cho là tin tức". Blog thì hầm bà lằng, cái gì cũng có. Báo chí thì tin tức " chính thống" còn blog thì tin tức " phi chính thống", hỏng biết cái nào có giá trị hơn cái nào nha. Dù gì thì ta vẫn thường coi báo hơn coi blog.
Đầu tiên là cái tên blog, nhiều khi chỉ cần nhìn tên là chẳng cần coi nội dung. Tiếp đến là đọc vài bài là quyết định nên coi tiếp hay đóng lại ngay, bên cạnh đó có những blog thật tuyệt vời, lâu lâu không coi cũng thấy nhơ nhớ, hihi. Thậm chí có bài viết đọc miễn phí ở blog còn hay hơn cả báo chí coi phải trả tiền. Vì người viết blog nhiều thành phần chứ không như sách, báo nên nội dung, hình thức diễn đạt cũng khá phong phú và hay nếu ta chịu khó tìm tòi. Trước đây có lẽ giới trẻ viết blog nhiều hơn, bây giờ giới không trẻ viết blog có vẻ nhiều hơn. Qua ngôn ngữ, nội dung ta có thể cảm nhận điều đó. Mà cũng có thể là do bọn trẻ già trước tuổi chăng ? Có thể là người trẻ bây giờ dùng facebook, twitter vì thông tin nhanh và gọn hơn, đậm đặc như omo, hihi. Bài viết trong blog nhiều khi có ý tưởng rất hay nhưng lạ lùng mà báo chí không thể nào đăng. Nếu không có internet thì chắc phần lớn những ý tưởng kỳ cục đó bị cất vô tủ khoá lại. Blog còn hay ở chỗ là khả năng tương tác với người đọc cao.
Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010
Bỏ
Trong cuộc đời con người ta cứ mỗi lần vứt bỏ cái gì người ta cũng thấy có chút gì nuối tiếc. Thậm chí nhiều khi có nó còn gây vướng bận, gây khó chịu nhưng cứ bỏ đi là thấy như mất mát cái gì đó, dĩ nhiên rồi. :) Cuộc đời là một cuộc hành trình, ta đặt ra đích đến và lộ trình. Đâu có cái gì bất biến, đích đến cũng có thể thay đổi và lộ trình dĩ nhiên thay đổi còn nhiều hơn, phụ thuộc vào chính ta và xã hội.
Khi còn học phổ thông ta gần như bao giờ cũng đứng nhất lớp và có những năm khoảng cách đối với người thứ nhì khá xa nên thất bại đối với ta ngày ấy gần như là chuyện trên mặt trăng. Cho đến cái ngày không đậu đại học, ngày ấy việc học hành còn phân phối như tem phiếu ấy. Ta khóc mấy ngày cho đã tức. Thất bại đau đớn đầu tiên trong đời. Nghĩ lại thật mắc cười. Những năm học đại học sau đó ta có cái vẻ bất cần đời, bạn bè nói nhìn cái mặt ta hiền hiền mà bất cần đời nên thấy rất ngồ ngộ. Nhưng cũng thật may cho ta nếu cuộc đời cứ tốt đẹp như vậy mãi đối với ta thì chắc ta cũng không dễ cảm thông với người khác như ngày nay. Ta cũng sẽ dễ vấp ngã vì ta thấy cuộc đời đơn giản quá. Đó là lần đầu tiên ta đã biết bỏ, bỏ những tin tưởng ngây thơ. Sau này chuyện bỏ đối với ta dễ dàng hơn, ta chủ động bỏ nên tâm trạng dễ chịu hơn nhiều, hì hì, có những lúc vô thế phải bỏ nhưng ta đã chuẩn bị tinh thần rồi nên coi như chủ động luôn. Tuy rằng chuyển từ trạng thái này qua trạng thái khác thì cũng cần thay đổi và thời gian để thích nghi, nhưng khi ta chủ động thì mọi việc đơn giản hơn. Đích đến là do ta, lộ trình cũng do ta. Bỏ việc, ta đã từng bỏ những việc mà mọi người thèm muốn nhưng nó không hợp với bản chất ta. Bỏ bạn, ta đã bỏ vì thấy không nên kéo dài mối quan hệ. Bỏ thói quen, ta bỏ vì nó gây ra nhiều phiền phức và là những thói quen không nên có. Lúc này bỏ đối với ta cũng không làm ta đau đớn như xưa nữa.
Côn Sơn ca của Nguyễn Trãi
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
Về đi sao chẳng sớm toan,
Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi.
Muôn chung chín vạc làm gì,
Đồng, Nguyên để tiếng trên đời,
Hồ tiêu ăm ắp, vàng mười chứa chan.
Lại kia trên núi Thú San,
Di, Tề nhịn đói chẳng màng thóc Chu.
Hai đàng khó sánh hiền ngu,
Đều làm cho thoả được như ý mình.
Trăm năm trong cuộc nhân sinh,
Người như cây cỏ thân hình nát tan.
Hết ưu lạc đến bi hoan,
Tôt tươi khô héo tuần hoàn đổi thay,
Núi gò đài các đó đây,
Chết rồi ai biết đâu ngày nhục vinh.
Sào, Do bằng có tái sinh,
Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn.
Thứ Ba, 2 tháng 2, 2010
luôn luôn đúng
này nha :
chúng ta luôn đánh thắng, nếu không thì chúng ta chỉ rút lui để bảo vệ lực lượng
chúng ta luôn thắng, nếu không thắng là do chúng ta kém may mắn
chúng ta luôn phát triển, nếu tốc độ kém đi là do cả thế giới khủng hoảng
chúng ta bán giấy nợ thu ít tiền, như vậy là rất tốt vì do kinh tế thế giới chuối mà
chúng ta có khi sẽ không được vay nữa , vậy chúng ta chuẩn bị cho việc bán giấy nợ càng nhiều càng tốt, chứ biết làm gì đây?
chúng ta còn quan liêu, nhưng so với mấy xứ sở không thần tiên gì gì đó thì chúng ta hơn hẳn
chúng ta còn tham nhũng, nhưng nơi nào trên hành tinh này chẳng có tham nhũng, đừng kêu ca nữa nghen
chúng ta còn nghèo, do hậu quả của mấy trận đánh nhau để lại, ráng mà chịu khổ, chịu cực nghen
chúng ta phát triển kinh tế nhưng cái giá trả quá mắc qua việc ô nhiễm môi trường, không sao có mấy chỗ còn tệ hơn ta nữa chớ
chúng ta phải khai thác tận cùng tài nguyên ngay bây giờ, sau đó chúng ta lấp đất xuống rồi trồng cây lên mà đỡ phải trồng rồi sau này đào đất lên để khai thác rồi lại trồng, mất nhiều công
tình trạng hàng gian, hàng giả, lừa lọc, thiếu đạo đức trong kinh doanh là do hậu quả của nền kinh tế thị trường, chính vì vậy nên chúng ta phải định hướng cái thị trường đó mà
chúng ta dạy cho trẻ con thật là nhiều, nhồi thật nhiều kiến thức, nếu ăn không tiêu thì cho uống thuốc tiêu, lo gì. Nhất quyết không để bọn trẻ có thời gian suy nghĩ.
tóm lại là chúng ta không bao giờ sai, có sai là bọn họ thôi.
Thơ hồi nảo hồi nao, tình cờ đọc lại, giấy thì vàng nên không ố thêm được nữa. Đọc lại thấy ngố ngố, hihi
Nắng tháng ba
rơi nghiêng mái phố
làm sáng bừng
tà áo trắng ai bay
Nắng tháng ba
làm ửng hồng
đôi má
mắt ai cười
lấp lánh
dưới nắng trưa
Phải vì nắng
ai nghiêng
vành nón trắng,
Mắt thẹn thùng
đếm mãi
những bước chân.
Thứ Hai, 1 tháng 2, 2010
Học nghe
Ta thấy người ta thích nói hơn nghe, nào là nghệ thuật nói trước công chúng, cách diễn thuyết, nghệ thuật nói chuyện, vân vân và vân vân.
Không thấy có ai dạy nghệ thuật lắng nghe nhỉ?
Có thể là do cái tôi, cái nhu cầu muốn thể hiện bản thân nên người ta thích nói hơn, nhiều người thích nghe nhưng là thích nghe giọng họ nói. :)
Nghe rất khó, nghe để người ta nói hết ý, nói thật lòng lại càng khó. Phải chú ý để hiểu ý người nói, để có thể gợi mở những vấn đề có liên quan. Phải quan tâm thì người nói mới mở lòng mình. Người nghe giỏi là người nghe được những cái mà người nói ban đầu không có ý định nói nhưng rồi vẫn nói, một cách tự nguyện, rất thật lòng.
Cũng thật lạ, ta chỉ có 1 cái miệng để làm đủ mọi thứ : để ăn uống, để nói, để thở (trong một số trường hợp đặc biệt), để hôn, để chiến đấu ví dụ như để cắn, nhổ nước miếng... trong lúc đó có tới 2 cái tai chỉ để cho mỗi việc nghe. Ấy vậy mà người ta lại ít thích nghe hơn nói.