Thấy vụ đứa nhỏ chán sống vì ba má và xã hội bắt nó sống kiểu của họ mà họ không biết là kiểu họ sống liệu có tốt đẹp và hạnh phúc không. Nhớ bài này ta viết hồi lâu rồi.
THỨ SÁU, 4 THÁNG 12, 2015
15 tuổi người ta làm cái gì
Coi cái bài báo này, thấy sốc thiệt. Ta không biết đầu cua tai nheo ra sao nên không dám nói gì nhưng trong việc này lỗi của cậu bé là ít nhất, còn lại phụ huynh và nhà trường, mấy người đó đừng có nhảy dựng lên nói là không có lỗi nghen. 15 tuổi, lớn thì chưa lớn mà nhỏ cũng không còn nhỏ, là tuổi để bắt đầu khẳng định mình. Lúc 15 tuổi ta chỉ có biết học và chơi thôi, ta học giỏi nhất nhì lớp, hehe, không ai khen thì mình tự khen mình vậy. Thiên hạ 15 tuổi nhân tài cả đống. Năm 17 tuổi Bill Gates đã bán chương trình máy tính đầu tiên. Hehe, ta rất ngưỡng mộ ông này mà. Năm 19 tuổi Soichiro Honda đã mở xưởng sản xuất và không lâu sau đó cho ra đời xe đạp gắn động cơ trở thành cái chân của dân Nhật khi đi đâu đó. Tại vì dân miền Nam đồng nghĩa xe gắn máy với xe hông đa nên ta nhớ tới ông này. Chú nhóc Justin Bierber ra đĩa đơn lọt vào top 30 trong 10 nước năm chú 15 tuổi. Trong cái đám mấy đứa nhóc ta biết tên cậu này vì mấy đứa nhỏ thích nghe nhạc của nó nên ta mới biết. Alec Su lập ban nhạc năm 15 tuổi và ban nhạc này hơi bị nổi vào lúc đó. Ta biết ông này là vì mỗi khi coi phim ổng đóng mà cái mặt hung dữ là ta không nhịn được cười vì buồn cười, ráng cho hung dữ mà không hù được ai đó mà, hehe... Còn những người khác 15 tuổi, những người không có tư tưởng nổi dậy thì họ yên lành mà học hành mà vui chơi sau khi học học xong họ mới đình đám hoặc phải cày cục làm việc để học hoặc bỏ học đi làm để sống. Bao nhiêu người có tư tưởng kết liễu cuộc đời mình lúc 15 tuổi? không biết nhưng ta nghĩ không nhiều. 15 tuổi mà thấy bế tắc trược cuộc đời khi không phải tự tay kiếm miếng ăn nuôi sống chính mình? Còn cậu bé này, mẹ la rồi là nhảy lầu tự tử. Hậu quả của một phương pháp giáo dục quá khắc nghiệt. Chính vì phương pháp gíao dục như vậy nên cậu bé sẽ rất khó hòa nhập với xã hội. Những cô cậu bé như vầy sau này có học hành giỏi giang thì cũng khó mà có tấm lòng rộng mở, bao dung biết nghĩ đến những người khác mà chỉ biết nghĩ cho một mình mình mà thôi. Tội nghiệp. Lỗi đó là do người lớn. Một xã hội chạy theo những giá trị giả tạo, người ta ngộ nhận những cái giá trị giả tạo đó làm nên một con người. Những giá trị giả tạo đó chỉ làm nên vẻ mặt của một anh hề. Khi mà người ta so sánh chú hề nay với chú hề kia ai đẹp hơn ai thì khôi hài thiệt, một xã hội của những chú hề. Học không phải để lấy điểm, tuy rằng người ta nhìn vô điểm để đánh giá trò giỏi hay dở. Khi mà điểm số không phản ánh thực chất kết quả học, khi mà những tiêu chuẩn đánh giá của xã hội lệch lạc thì chẳng biết khẳng định đứa nào là giỏi đứa nào là dở dựa trên những tiêu chuẩn đó, vậy mà cha mẹ ráng ép để làm gì ta. Dĩ nhiên xã hội nào dù có văn minh tiến bộ cỡ nào cũng có những người này người nọ, nhưng một xã hội mà những con người không bình thường nhiều quá thì xã hội đó ắt hẳn là không bình thường. Người ta đo thì dùng thước, thước cong thì đo kiểu gì? Ngày nhỏ ta cũng bị đì đó mà, khi ta học cấp 2 cô giáo dạy toán hỏi là em nào đi học thêm thì giơ tay lên. Ta thiệt thà và ngu như heo nên không giơ tay vì ta nghĩ không đi học thêm thì không giơ tay, trong khi mấy đứa trong lớp ta toàn sư phụ nên có đi hay không đi cũng giơ tay rồi tính sau. Sau đó cô đe 1 câu ta nhớ tới tận bi giờ vì ta nhỏ mọn lắm mà, câu đó là em có giỏi với ai thì giỏi đừng hòng giỏi với tôi. Rồi cô đì ta thiệt, nhưng dù gì cô đó cũng có đạo đức vì có ráng đì tới đâu ta cũng điểm cao nhất lớp tuy rằng so với điểm trung bình những năm trước hay năm sau đều thấp hơn. Năm ta học đại học, đạp xe về nhà thấy người trú mưa ngoài hiên, ta đâu biết ai. Cô kêu Uyeen không nhớ cô hả, cô là cô xyz dạy toán em năm lớp đó đó. Lúc đó ta mới mời cô vào nhà. Cô đì ta không được nên cô nhớ ta đó mà, ráng đè đầu nó mà nó vẫn ngoi lên, hehe. Lúc đó ta ức lắm chớ bộ, con nít mà, về nói mà, má kêu không sao đâu, con học là học cho con chớ có học cho cô giáo đâu, kệ cô. Sự việc, hiện tượng con số, quy luật, chữ nghĩa, ta nhớ hay lắm chứ nhớ mặt người dở lắm, ai nói gì thì ta chịu bị rầy chứ không thể cải thiện được, hình như cái vùng óc đó của ta bị chèn ép nên không phát triển hay sao đó. Thậm chí có đứa bạn học đại học tới khi ra trường đi làm có 2, 3 năm ta nhìn mặt thấy quen quen mà chịu chết không tài nào nhớ được, hic. Tụi nó giận dỗi kêu là ta chảnh, ta tức mình nói bạn bè mà ta quên thì nhắc chớ có chút xíu đó mà giận dỗi thì cho giận luôn, hehe. Ta ráng hết sức để tập vì bán hàng mà quên mặt khách hàng thì tệ quá chừng, nhất là những khách lâu lâu mới tới lại thì ta phải gồng mình để ráng nhớ. Thôi vậy trời cho nhiều mà trời lấy có chút xíu thì trời thương ta quá rồi mà.
Bi giờ , ta thấy mấy đứa nhỏ học, ta sợ chết khiếp. Học gì mà kinh khủng, học nhiều quá không có thời gian để suy nghĩ nữa, vậy thì học để làm cái gì ta. Chủ yếu là thầy dạy, học trên trường, rồi học thêm, xong rồi thì văn mẫu, toán mẫu, cái gì cũng mẫu. Rốt cuộc mấy đứa chỉ là mấy cái bản copy. Bản copy thì dễ ẹt, bấm nút 1 cái thì ra trăm bản, ngàn bản. Sao không làm bản chính, dù xấu cũng là bản gốc mà.
Bi giờ , ta thấy mấy đứa nhỏ học, ta sợ chết khiếp. Học gì mà kinh khủng, học nhiều quá không có thời gian để suy nghĩ nữa, vậy thì học để làm cái gì ta. Chủ yếu là thầy dạy, học trên trường, rồi học thêm, xong rồi thì văn mẫu, toán mẫu, cái gì cũng mẫu. Rốt cuộc mấy đứa chỉ là mấy cái bản copy. Bản copy thì dễ ẹt, bấm nút 1 cái thì ra trăm bản, ngàn bản. Sao không làm bản chính, dù xấu cũng là bản gốc mà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét