Hổm rày cái vụ phạt theo nghị định lộc phát gì đó thấy trên mạng nói tùm lum, sáng đi ra chợ cũng thấy bàn tàn luôn nên ta mới ngứa miệng ở đây chớ thiệt tình ta cũng chẵng để tâm lắm. Ta nói lộc phát vì nhớ chuyện hồi xưa ông bí thơ Thượng hải, ổng mê tín nên đệ tử hỏi thầy rồi chọn số xe cho ổng là 1889, nghĩa là phát một lần là phát mãi mãi. Cho nên ổng phát 1 cái tới nhà tù luôn. Ta thường dừng đèn đỏ, tới khi đèn xanh ta mới chạy chớ không phải chờ khi đèn đối diện đỏ lên là chạy như người khác cho nên có khi bị xe sau chửi, sao đứng quài zậy, ngủ hả, có mắt hông hả, rồi bóp còi in ỏi. Đôi lúc ta cũng sợ chết cha luôn vì sợ xe sau ủi tới vì đèn phía kia đỏ đỏ rồi. Tại vì ta nhát gan sợ tay lái yếu mà lỡ chạy gặp thằng bên kia nó tông chắc ta chết đứng vì sợ chớ chưa nói kịp chết vì tai nạn, nên không dám chạy ầm ầm như người ta chớ không phải ta nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông gì, hehe, nhưng thỉnh thoảng ta cũng bị vượt đèn đỏ. Chỉ là do đầu óc nghĩ gì đó mà nhìn không thấy có xe trên đường nên chạy luôn chớ không nghĩ là góc đó có đèn đỏ. Chỉ là lơ đãng với cái đèn chớ hông phải lơ đãng với việc lưu thông. Mấy người lơ đãng như ta đảm bảo cả đống chớ không ít khi họ ở những góc đường vào thời điểm ít có người qua lại cho nên họ không nhìn đèn giao thông, như thiên hạ nói giống như bị bà che mắt vậy không thấy cây đèn giao thông đứng chình ình ra đó mà chỉ nhìn dòng người và xe cộ đang lưu thông thôi. Vấn đề ở đây là việc lưu thông chớ không phải cái đèn xanh đỏ. Mục đích của phạt vạ là răn đe để giảm thiểu rủi ro khi lưu thông chớ không phải là để thu tiền. Cho nên phạt như thế nào, phạt hành vi gì và số tiền phạt bao nhiêu là vấn đề quan trọng, dựa trên cơ sở mục đích để giảm thiểu rủi ro cho mọi người trong xã hội nhưng không làm ảnh hưởng đến cuộc sống. Ví dụ phạt vượt đèn đỏ 4-6 triệu là mức phạt quá cao, phạt cắt cổ (excessice punishment) vì lương căn bản có vùng chưa tới 4 triệu đồng/ tháng. Như ta đã nói, có khi ta cũng bị vượt đèn đỏ vì lơ đãng ở những giao lộ quá vắng người. Ta dùng từ bị vượt ở đây vì ta lơ đãng, trong tâm thức của người lưu thông đôi khi họ chỉ nghĩ tới việc an toàn giao thông cho nên đôi lúc họ thấy đường xá thưa thớt thì họ có thể vô tình không nhìn thấy đèn giao thông, nghĩa là trong não lúc đó không có thông tin gì về đèn giao thông mà chỉ là đang phân tích mật độ lưu thông và quyết định tiếp tục đi thẳng cũng an toàn, không gây tai nạn gì cả. Nghĩa là họ vô tình vượt đèn đỏ. Xử phạt đôi lúc chỉ là xử hiện tượng mà không phân tích lý do cũng như hậu quả ( có hay không). Nói lan man để chỉ thấy một số trường hợp bị xử phạt là oan. Đã là con người thì có lúc này, lúc nọ mà, đâu ai hoàn mỹ. Nhân vô thập toàn, vậy thập toàn chắc vô nhân. Nếu lỡ oan thì vài trăm ngàn thì cũng tắc lưỡi bỏ qua cho như xui vậy. Còn nếu mức cao quá thì đúng là của đau con xót. Còn nếu không phải vô tình mà là do chạy ẩu thì phạt là hợp lý, nhưng mức phạt không được triệt tiêu con dường sống của người ta. Phạt mà hơn 1 tháng lương tối thiểu thì đúng là triệt con đường sống người ta. Này ông bà gọi là ác nhơn ác đức, triệt đường sống người khác. Nhưng cũng phải phạt chớ. Vậy sao không phạt bằng hình thức khác. Có thể phạt tiền nhưng ít hơn, tất nhiên rồi, vì đó là mức phạt cắt cổ ( excessive punishment) hoặc phạt lao động công ích. Chỉ phạt tiền không thôi là lười biếng trong quản lý và đôi lúc sai mục đích. Họ có thể chọn phạt tiền hoặc 1 ngày lao động công ích nào đó trong thời hạn 10-15 ngày. Lúc này có thể nảy sinh tình trạng thuê người làm công ích giùm. Vấn đề này xét tổng thể về mặt lợi ích xã hội cũng không sao cả. Đôi bên cùng có lợi, Họ sẽ chỉ trả khoản tiền ít hơn và sẽ có người có thu nhập từ số tiền đó, còn hơn đi bán vé số để rủ lòng thương của người ta. Hoặc tệ hơn nữa, bần cùng sinh đạo tặc, có công việc gì đó đàn hoàng để nuôi sống họ là tốt rồi. Là làm công tác xã hội dược trả lương từ tiền phạt. Còn nếu chính bản thân họ đi lao động công ích, họ cũng sẽ thấy trách nhiệm của mình với xã hội nhiều hơn. Việc này có thể làm thay đổi, điều chỉnh những hành vi của họ trong tương lai theo chiều hướng tốt hơn cho xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét