Chào


Nếu tình cờ bạn đọc bài mà cảm thấy nhẹ nhõm người hay mỉm cười thì ta rất phấn khởi. Hihi

**

1

2


Thứ Tư, 28 tháng 8, 2024

Ngụy biện là gì

Thấy cái vụ bà gì kia bả kiện cái gọi là chất độc da cam gì đó, nhớ những năm thập niên 70 sau năm '75. Lúc đó cán bộ kêu chống sốt rét gì đó nên đi phun thuốc trừ muỗi, lăng quăng gì đó khắp mọi nơi. Phun khắp nhà dân, còn bắt người ta nhúng mùng mền vô cái thuốc đó nữa. Hôi muốn chết. Sau khi cán bộ đi, má ta đem mùng mền ra ngâm nước rồi giặt lại cho thiệt kỹ rồi phơi thiệt kỹ cho hết thuốc chớ hông thôi ai biết để đó nằm ngủ rối hít suốt không biết có bịnh gì không. Còn nhà thì tạt nước vô để lau cho thiệt sạch chớ hông thôi hôi rình thì ngửi hoài bịnh chết. Ta nghe nói chất đó là DDT. Ủa nếu sau đó người ta hít mấy cái DDT đó suốt rồi bị gì có bị gì không ta, rồi lỡ bị gì thì có bắt chước bả đi kiện cán bộ được không ta. 

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2024

Chỉ là do không hiểu đúng

Tháng 7 xá tội vong nhân, người ta ăn chay. Tự nhiên nghĩ lẩn thẩn. Mấy người kêu là ăn chay là không sát sinh, cho nên nếu nhà họ có chuột, gián... ở đâu chạy vào họ cũng hông dám giết. Người thì để nó chạy nhởn nhơ, thấy mắc ghê. Người thì đuổi nó ra khỏi nhà. Rốt cuộc họ cũng mắc tội. Mà tội cũng không nhẹ. Nếu để nó chạy nhởn nhơ trong nhà, rồi nó chạy tùm lum, gây bịnh cho gia chủ đó thì hông mắc tội là gì. Là không biết yêu quý gìn giữ cơ thể, làm khổ người khác. Còn nếu mình chết đi thì mình lại mắc tội tự giết mình vì kém hiểu biết. Còn đuổi nó chạy ra khỏi nhà mình thì nó chạy qua nhà hàng xóm, rồi hàng xóm cũng giết. Vậy họ mắc tội xúi giục người khác sát sinh, hay chính xác là cưỡng ép người khác sát sinh. Số con chuột, con gián đó được định là chết trong nhà mình, dưới tay mình nên nó mới chạy vô nhà mình vậy cớ gì bắt nó phải chết dưới tay người khác, ép buộc người khác phải giết nó. Vậy cũng chẳng khác gì sát sinh, sợ còn tội nặng hơn nữa.

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

Lại thuế

Thấy cái vụ đưa ra là doanh thu 1 năm ở ngưỡng bao nhiêu thì chiụ thuế suất TNDN như thế nào 15, 17 hay 20%, ta nhớ bài này ta viết từ lâu. Ta sẽ viết thêm 1 bài khác về cái vụ thu và nộp thuế và lợi ích của nó mang lại cho xã hội.

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Quan liêu

Ta không hiểu tại sao khắp nơi trên trái đất này đều có một hệ thống kê khai và nộp thuế từ rắc rối phức tạp đến vô cùng rắc rối, cực kỳ phức tạp để làm cái gì ta. Đúng là hệ thống nhà nước ở khắp mọi nơi quan liêu  bà cố, hehe. Thuế là nguồn thu để duy trì hoạt động nhà nước và để chi cho một số phúc lợi xã hội. Vậy thì sao không giảm hoạt động của nhà nước tới mức tối thiểu và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp thực hiện chi cho phúc lợi và an sinh xã hội. Vì rằng khâu thu thuế của nhà nước, khâu tính thuế và nộp thuế của công dân và doanh nghiệp không đem lại một giá trị gia tăng nào cho lợi ích xã hội. Phát sinh thêm mấy công ty có chức năng làm dịch vụ thuế cho doanh nghiệp và cá nhân nữa chớ. Đúng là mấy ông nhà nước toàn thế giới này rách việc tạo thêm những công việc vô ích. Theo ta thì chỉ có thuế môn bài, coi như đăng ký hoạt động kinh doanh là đóng thuế là đủ rồi. Nếu như không đủ chi phí hoạt động thì tính thêm thuế VAT, còn mấy thứ thuế thu nhập, tiêu thụ đặc biệt và hàng trăm thứ thuế bà dằn gì đó gì đó thì bỏ quách đi. Giảm được một đống kế toán và nhân viên chỉ có mỗi việc đi kê khai và nộp thếu chứ không làm ra giá trị gì có lợi ích cho xã hội, giảm được một đống cán bộ thuế ngồi kiểm ra và tìm cách phạt mà không làm ra giá trị lợi ích gì cho xã hội. mấy người đó đi làm việc gì khác đem lại lợi ích cho xã hội hơn. Đừng có nói tính thuế thu nhập và mấy cái thuế tùm lum khác là đem lại sự công bằng cho xã hội đó nghen, ngụy biên đó nghen. Công bẳng là người có tài năng, làm việc nhiều thì được thụ hưởng nhiều, người ngồi chơi không thì được cho ăn ở mức tối thiểu để duy trì sự sống. Hơn nữa sao không tạo điều kiện để mấy doanh nghiệp làm trực tiếp chức năng điều chỉnh phúc lợi và an sinh xã hội mà phải lòng vòng qua khâu tính, nộp, kiểm tra rồi cân đối rồi cũng làm cái việc này trên danh nghĩa nhà nước, nghĩa là một đống bu vô rỉa nguồn tiền này để sống. Dô diên thiệt đó. Nhà nước nào cũng quan liêu, từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, khác nhau là quan liêu và vô ích nhiều hay ít mà thôi, hehe. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay, ai cũng nói mình đúng mà. Vấn đề là cái nào rút bớt được những chi phí vô ích thì cái đó hiệu quả nên áp dụng. Vấn đề là những công việc nào thực sự đem lại lợi ích cho xã hội thì nên tồn tại và những công việc nào có thể thay thế bằng những công đoạn khác có ich hơn thì nên loại bỏ hay thay thế để đem lại lợi ích tối ưu cho xã hội. Thử tưởng tưởng thế giới này cỡ 200 triệu người làm những công việc liên quan tới thuế phải thay đổi công việc, họ phải đi làm việc khác thì của cải xã hội sẽ tăng được bao nhiêu, đáng kể lắm đó, đó cũng là đem lại lợi ích và công bằng cho xã hội. 

Kiểu đem con bỏ chợ là sao

Thiệt tình ta cũng chẳng để ý lắm tới giới LGBT vì chẳng liên quan gì tới ta, thế giới này rộng lớn đủ chỗ cho đủ loại người tồn tại mà, chẳng qua ở Olympic Paris có mấy vận động viên giành giải mà dân mạng cãi nhau là nam hay nữ gì đó cho nên ta mới để ý vụ này. Ta theo thuyết Darwin là con người từ khỉ mà ra. Nhưng nói theo những người theo Thượng đế thì sự sống con người do thượng đế ban tặng. Nếu như vậy thì con người là một sản phẩm của thượng đế, cho nên giới tính của con người ta cũng là do thượng đế quyết định, là supreme being made. Còn bây giờ giới tính con người ta ở một số người là do con người tự bịa ra, là man made. Trừ trường hợp nhiễm sắc thể có lộn xộn gì đó, này rõ ràng giới tính không rõ ràng hay lộn xộn gì đó, thì ở một số trường hợp tuy nhiễm sắc thể rõ ràng là XY hay XX nhưng kiểu hình hiển thị cũng có thể không rõ ràng cho nên người ta có thể dùng thêm một số cái để xác định giới tính. Nếu trong trường hợp những cái liên quan tới biểu hiện bên ngoài như bộ phận sinh dục ngoài mà không thể hiện rõ ràng thì có thể cần sự can thiệp của con người để chỉnh sửa mà không thay đổi bản chất, này có thể thực hiện trước tuổi dậy thì, hay vị thành niên, này vẫn được coi là supreme being made. Còn những trường hợp mà thay đổi tất tần tật, từ sử dụng phương pháp có liên quan tới phẩu thuật kết hợp với bổ sung hormone giới tính suốt đời thì này không còn là supreme being made mà là man made rồi. Này thì không được thực hiện khi chưa đủ tuổi công dân, là trẻ em hay vị thành niên khi còn cần sự  bảo trợ của người lớn mà chỉ được phép thực hiện khi họ đã là người lớn, là đã tự quyết định cho chính họ và bắt buộc phải qua hỗ trợ tư vấn tâm lý thời hạn tối thiểu 1 năm của chuyên gia có giấy phép hành nghề thì bác sĩ mới được quyền ra tay thay đổi cái mà thượng đế đã trao cho. Vì đôi khi cảm xúc chỉ là nhất thời, tới khi biết hệ quả thì đã muộn rồi. Thế gian này biết bao nhiêu người yêu nhau, thề sống chết có nhau, thậm chí sẵn sàng tự tử vì nhau nhưng đâu phải ai trong số họ cũng sống với nhau hạnh phúc tới đầu bạc răng long mà đôi khi chỉ vài tháng, vài năm đã li dị, thậm chí còn giết nhau nữa mới dễ sợ chớ. Vậy cho nên cái cảm xúc kiểu thấy mình là nam/nữ thực sự gì đó đôi lúc chỉ là cảm xúc nhất thời, cần phải được hỗ trợ tâm lý và kiểm soát trong thời gian dài, tối thiểu 1 năm để xác định đó có phải là thực sự là bản năng cơ thể không. Và những trường hợp này là do sự can thiệp và điều chỉnh của con người cho nên có thể xảy ra vấn đề là không thể hiện 1 cách tự nhiên. Ý là do lượng hormone giới tính tự nhiên đưa vào cơ thể không phải tự nhiên mà có cho nên có thể những người này sẽ khác với người bình thường về mặt giới tính. Có thể ảnh hưởng phần nào tới hoạt động của họ, giống như sử dụng doping trong thi đấu thể thao chẳng hạn. Vậy cho nên những cái liên quan về mặt giới tính mà rõ ràng như thi đấu theo giới tính thì cần phải phải chia ra rõ ràng theo thành phần là nam nữ tự nhiên, nam nữ chuyển giới và phi giới tính hay lưỡng tính. Dựa theo giới tính supreme being made hay man made. Nếu có thể thì việc sử dụng toilet cũng cần chia ra nam nữ theo supreme being made hay man made.  Cuộc sống vốn dĩ là đơn giản, do con người tự làm cho nó phức tạp lên để kiếm tiền vậy cho nên cũng phải giải quyết vấn đề một cách thấu đáo, không thể bỏ lửng lơ nữa chừng. Đòi thay thượng đế để giải quyết vấn đề giới tính thì cũng phải có những hành động cho phù hợp sau khi đã làm công việc thay đổi này chớ

**

Đang định viết bài khác tự nhiên nghĩ tới AI thấy mắc cười. ta dám đảm bảo là mấy bài kiểu này chỉ có ta hay là con người viết chớ AI không đủ khả năng để viết kiểu này, dù dạy dỗ nó ra sao, vì không giống ai cả. 

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2024

Còn đâu là Paris của sự tinh tế nữa

Hồi xưa người ta cho rằng tiếng Pháp là ngôn ngữ văn chương, là ngôn ngữ tình yêu, là tùm lum thứ gì đó. Nhưng vì ngữ pháp nó rắc rối và những lý do gì đó cho nên bây giờ số lượng người dùng tiếng Pháp trên thế giới giảm. Pháp hổng mất 1 chân. Giờ qua kỳ Olympic Paris này, thì cái sự tinh tế của nền văn hoá Pháp cũng mất luôn. Pháp làm hổng tiếp chân kia. Tự nó hại lấy chính bản thân mình. Sẽ đến từ từ, tới một ngày nào đó sẽ thấy, khi thấy thì muộn rồi. Đế chế La mã còn sụp đổ mà. 

Bữa kia coi thấy vận động viên ra công viên ngủ vì nóng quá, ta mới tò mò coi sao lại nóng, sau mới phát hiện ra một đống tùm lum chớ hông chỉ cái nóng. Là không cho người ta ăn uống cho đủ chất. Là bắt người ta bơi trên sông dơ, hay nói một cách nhẹ nhàng là không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn sức khỏe. Còn ba cái đồ linh tinh nữa nhưng thôi không đáng kể. Những cái đó thể hiện sự thiếu tôn trọng khách mời, sự kém hiểu biết, sự cẩu thả, đó chưa nói đến gây hại cho sức khỏe người ta. Nguyên nhân là social media, hehe. Nhờ social media nhất là ba cái thứ kiểu như Facebook, Tiktok cho nên ba cái thứ nhảm nhí tràn lan. Khi nó tràn lan, và kiếm được tiền, thậm chí nhiều tiền từ những cái nhảm nhí đó thì người ta cho nó đúng đắn và cần làm cho nó lây lan nhiều hơn nữa để kiếm được nhiều tiền hơn. Thiệt kinh dị. Tại sao người ta không trang bị máy lạnh mà thực nghiệm cái hệ thống làm mát không đảm bảo đủ độ mát, không đảm bảo cho mọi người có môi trường dễ chịu nhất để nghi ngơi, để phục hồi sức khỏe sau một ngày vận động nhiều? Người ta có thể thử nghiệm hệ thống làm mát đó với điều kiện có sự lựa chọn. Nghĩa là khách có quyền chọn ở nơi có hệ thống làm mát đó hay là nơi có máy lạnh. Đằng này không được quyền chọn. Tại sao người ta cho vận động viên ăn kiểu như ăn chay trong khi vận động viên cần dinh dưỡng đầy đủ cả chất lẫn lượng để tối thiếu phải đủ để tái tạo cơ bắp và sức lực? Đừng nói rằng có những người ăn chay vẫn đạt thành tích cao. Đó chỉ là hiện tượng cá biệt. Cá biệt chỉ để làm ý tưởng, tiền đề cho những nghiên cứu khác chứ không được dùng để thực nghiệm cho đại đa số như vầy. Khi mà không cung cấp đủ chất dinh dưỡng thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đó không chỉ ngu dốt mà còn là độc ác. Độc ác vì thiếu hiểu biết. Tại sao lại cho vận động viên bơi trên sông khi mà nguồn nước vào sông chưa thể kiểm soát hoàn toàn. Như vậy có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe của vận động viên. Cần phân biệt là người ta vẫn có thể bơi trên sông vì người ta muốn vậy, người ta chịu trách nhiệm cho hành vi của họ. Còn vận động viên để họ thi bơi trên sông, là họ không được quyền chọn nơi họ bơi. Khi họ không được quyền chọn nơi họ bơi thì người chọn cho họ phải chịu trách nhiệm về an toàn mọi mặt cho họ, không thể theo ý thích được. Tóm lại nguyên tắc là khi mà người ta được quyền chọn thì họ chọn theo sở thích họ nhưng việc cung cấp vẫn tối thiểu đạt tiêu chuẩn nào đó; còn khi mà người ta không được quyền chọn lựa mà người khác chọn cho họ thì người chọn bắt buộc phải chọn cái đảm bảo các tiêu chuẩn trung bình hay cao tùy vấn đề.  Đó là vấn đề nhận thức. Bởi vì nhận thức sai cho nên họ bắt người ta theo những cái họ chọn mà không đảm bảo tiêu chuẩn. Nói ngu dốt thì nghe hơi nặng nề nhưng cũng gần đâu đó. Không chỉ  vậy mà còn là ích kỷ, không hề nghĩ tới người khác, không hề quan tâm tới cảm nhận của người khác. Đây không chỉ thực trạng chung của nước Pháp , mà của 9x, gen z khi mà mọi người cổ súy "be yourself" vô tội vạ. 

Khi mà chuẩn mực, luật lệ, nguyên tắc được coi là nhân văn nhưng không đủ mạnh thì số đông với những cái bát nháo sẽ đè bẹp những cái nhân văn này. 

Nhớ hồi xưa má nói "biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe", còn bây giờ thì "già mồm là thắng". 

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2024

Chỉ là trò chơi của nhà giàu

Thiệt tình ta cũng chẳng để ý lắm đến bầu cử. Xứ này làm gì có bầu cử. Còn xứ người thì bầu cử là trò chơi của nhà giàu. Coi cho vui thôi. Giờ thấy ông Trump đụng độ với bà Harris ta mới coi chút, vì thấy mắc cười. Kiếp trước ông Trump chắc toàn đi gây sự với mấy bà cho nên kiếp này đi đâu cũng đụng độ mấy bà. Đợt trước là bà Clinton, đợt này là bà Harris. Thấy cũng vui thiệt. Nhớ hồi xưa khi bầu cử đợt đó, má ta nói có khi kỳ này bà Clinton lên. Ta hỏi má tại sao, má cười con đó, con Uyen này mà đi tới đâu là tới đó thay đổi tùm lum. Hồi đợt trước đi tới Vatican thì về nhà là Giáo hoàng từ chức, đời thưở giờ có bao giờ thấy Giáo hoàng từ chức đâu. Rồi đi Hàn quốc, về thì Hàn quốc có nữ tổng thống đầu tiên. Rồi gì đó nữa má ta kể một số nơi mà giờ ta cũng hông nhớ. Má nhớ siêu thiệt luôn. Ta nói vậy thôi con đi ra khỏi nước này nghen. Má cười ừ, con mà ra khỏi nước này thì nước này thay đổi shock luôn. Nhớ hồi bà tổng thống Taiwan đầu tiên lên, ta mắc cười chọc bồ tèo ta lúc đó ở Taiwan là ta ở đâu là ở đó thay đổi liền. Ta hông ở Taiwan nhưng trái tim chuyển tới đó rồi cho nên Taiwan có thay đổi đó. Chắc ta là cái móng chân út của thần Shiva, hehe. Giờ chuyển đến Mỹ.  Giờ ở Mỹ thì 2 người đó đều kỳ cục, hehe, cho nên hông biết mèo nào cắn mỉu nào. Ai lên cũng vui hết, hahaha. Đầu tiên là bà Harris, thiệt tình ta cũng chẳng để ý tới bả, chỉ có lần tình cờ coi thấy clip bả cười như điên nên mới để ý. Đảm bảo ai mà coi cái clip bả cười như mắc điên mà hông nhớ bả thì ta cùi luôn. Chớ thiệt ta cũng chẳng để ý lắm. VN có câu chưa nói đã cười là người dô diên. Giờ thiên hạ đi đâu cũng thấy toàn dô diên cho nên ai biết có khi bả trúng thì sao, hehe. Còn ông Trump thì cũng kỳ cục, kỳ cục vậy mà lại đã từng trúng cử rồi đó. Kỳ cục là ở chỗ ổng show bản thân như là một chiến binh sẵn sàng tác chiến, đánh giáp lá cà. Tổng thống hông phải là một chiến binh mà là một người để thoả hiệp, là người để đàm phán, thương thuyết, là negotiator, dĩ nhiên không nhượng bộ mà là win win solution, tao mày đều thắng còn tao phần ngon hơn hay mày phần ngon hơn thì tùy vào năng lực của mỗi thằng và tùm lum thứ kiểu thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nhưng ổng show mình như là một chiến binh  chớ hông giống như mấy ông tổng thống khác, vậy mà vẫn thắng mới hay chớ, hehe. Chứng tỏ dân Mỹ kỳ cục chớ hổng phải ổng kỳ cục, hahaha. Cho nên giờ ổng mà có thể uyển chuyển vừa là chiến binh vừa là người thoả hiệp để đem lại lợi ích lớn nhất cho dân Mỹ và xứ Mỹ và những giá trị tốt trị tốt đẹp trên thế giới thì coi như ổng có khả năng thắng. Nhờ coi mấy chuyện bầu cử mới thấy kỳ cục nữa. Kêu là ông Trump theo bảo thủ bà Harris theo cấp tiến, thấy người ta dùng từ kỳ cục thiệt nếu coi kỹ nội dung của từng phe. Nếu gọi phe này là cấp tiến thì phe kia là truyền thống (traditional) mới đúng. Còn nếu gọi phe này là bảo thủ thì phe kia phải gọi là thái quá mới đúng.  


Thứ Hai, 5 tháng 8, 2024

Kỳ thiệt

Thấy Cambodge khởi công kênh đào vào ngày sinh nhự cựu thủ tướng, thấy ngạc nhiên vô cùng. Người ta không nhè mùa mưa mà đào kênh, đây chọn mùa mưa để đào kênh. Giống như sợ gì đó cho nên tới lúc đó nếu có phát hiện gì thì coi như gạo đã nấu thành cơm. Thứ nữa, Cambodge là vương quốc, có vua còn sống sờ sờ ra đó mà canh me ngày sinh nhựt cựu thủ tưởng  khởi công. Nói hơi quá đáng chớ chẳng khác nào nh* vào mặt vua. Hông chọn sinh nhựt vua thì chọn đại 1 ngày nào đó, coi như sinh nhựt của công dân nào đó chớ ai lại chơi kỳ cục, hay là chọn sinh nhựt chú Xi chẳng hạn, hehe. Ta cũng chẳng coi lễ khởi công ra sao vì chẳng care. Chắc coi nữa còn phát hiện nhiều cái hay ho hơn nữa.   

Con cái bao giờ cũng nhỏ bé trong mắt cha mẹ

Thấy đứa con của Elon Musk tố cáo hồi nó nhỏ nó nói giọng hơi cao bị ổng nhắc nhở, thấy buồn cười. Gì chớ ba cái vụ má nhắc ta thì từ nhỏ xíu tới già đầu luôn. Lúc nhỏ ta nói nhỏ, sau khi đi làm ở cơ quan nhà nước, mà xứ này có văn hóa khỉ hang pacpo cho nên nói như hét vào mặt nhau cho nên ta nói nhỏ hông ai thèm nghe, cho nên ta ráng nói to. Riết rồi quen, về nhà cũng nói to, má nhắc ngay Uyen bữa nay nói hơi to rồi đó. Nhắc vậy là tự hiểu. Người nghe đâu có điếc cho nên nói to là thô lỗ, vô học, vô văn hóa, vô giaó dục gì đó, tự hiểu lấy tùy nhận thức, không hiểu thì chúc mừng đã hoàn toàn là giống người mới rồi. Ta vặn nhỏ volume. Sau đó lên cơ quan người ta nói to ta lại vặn volume lên. Rồi về nhà lại quên. Cứ vặn volume lên rồi xuống hoài, sau ta ớn quá ta quyết định nói vừaa đủ nghe như xưa giờ, ai hông nghe ta thì kệ họ, ta không care nữa. Nếu chẳng có ai nghe ta thì thôi, nghỉ làm cũng được, chớ nhất quyết không chuyển thànhh loại con người mới. 30 tuổi còn bị nhắc nữa nói chi con nít. Ta ngang lắm nhưng được cái cũng dễ nghe lời nếu người ta nói đúng mà. 

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2024

rảnh thiệt

Thấy Mỹ không công nhận xứ kia có nền kinh tế thị trường, một đống người nói tùm lum gì đó, ta nhớ lại bài này ta viết từ lâu.

Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

kinh tế thị trường

 Kinh tế thị trường là gì? Là không phải kinh tế tự cung tự cấp là tự làm rồi tự bỏ vô miệng ăn, gần như hông có bán mua gì hết, cũng hông phải là kinh tế chỉ huy, có thằng cha kăng chú kiết nào đó nhân danh cái con mẹ gì đó đứng ra chỉ huy nền kinh tế theo định hường nào đó, mà nó là nền kinh tế mua bán tự do. Thị trường là nơi gặp gỡ giữa người mua người bán. Kinh tế thị trường là nơi gặp gỡ giữa cung và cầu, và nó quyết định cái nào được mua được bán với giá cả ra sao.  Đôi lúc vì môt lý do nào đó để ngăn chặn khủng hoảng trong tương lai hay trong tình huống khẩn cẩp cần có bàn tay hữu hình của chính quyền thọc vào để điều chỉnh bằng các bộ luật và quy định nào đó. Xét về bản chất kinh tế thị trường không chấp nhận sự độc quyền. vậy cho nên để coi một nền kinh tế có là thị trường không thì coi cái sự độc quyền trong đó nó ảnh hưởng như thế nào. Thí dụ có những ngành  mà bản thân nó đã là độc quyền do sự méo mó của bộ luật, hay những cái mà nó là đầu vào của tất cả những lãnh vực khác mà là độc quyền chẳng hạn là cung cấp năng lượng như điện, xăng dầu, hay cung cấp nước, hay vận tải, kho bãi, viễn thông liên lạc... là đầu vào của tất cả những hoạt động kinh tế từ sản xuất đến thương mại, dịch vụ. nếu sự độc quyền của nó chiếm tỷ trọng quyết định tới giá cả hàng hàng hóa thì nên kinh tế đó chắc chắn không thể là kinh tế thị trường. Chẳng hạn điện , khi nhà nước nắm độc quyền điện từ sản xuất, truyền tải đến bán sỉ, bán lẻ gì đó thì cho dù những ngành khác có tự do hay tư nhân thì nền kinh tế đó cũng gần như  thuộc loại bán chỉ huy, còn nếu thêm cả xăng dầu độc quyền nữa thì thôi rồi, là kinh tế chỉ huy mất tiêu rồi  Đó là còn chưa nói những cái đầu vào khác không tạo ra sản phẩm nhưng ảnh hưởng tới chất lượng và giá cả sản phẩm, hàng hóa như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công đoàn mà cũng độc quyền nữa thì khỏi nói luôn. Nhắm mắt cũng biết nó thuộc loại gì, khỏi un deux gì hết. Nghĩa là chi phí đầu vào không được lựa chọn cái tối ưu theo quan điểm của nó mà bắt buộc phải mua không dược lựa chọn và thương lượng giá  cũng như kiểm tra chất lượng có tương xứng với giá cả hay không. 


Thứ Năm, 1 tháng 8, 2024

Lại rác

Thấy mấy đứa nhóc nói tụi nó có phân loại rác hữu cơ và vô cơ rồi cũng mang hết ra bỏ chung ở thùng rác công cộng, nghĩ mắc cười. Là đọc từ sách mà hông lăn lộn ra cuộc đời để học. Xứ này hông có phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ, mà chỉ có loại rác mà nhôm nhựa de chai mua hay không mua thôi. Cho nên nếu muốn sống có ý thức chút thì hỏi mấy người thu mua de chai là loại nào mua được và loại hông mua được. Phân ra loai có mua hay hông mua để biết chỗ mà bỏ, cho hay bán tùy hỉ. Họ nhanh lắm, để cái thùng đâu đó họ thấy là lượm ngay mà. Bình thường nơi ta làm việc có thùng đựng giấy và đủ thức loại sắt, nhựa, nilon... khi mà đầy thì de chai tới ta chỉ cho bưng nguyên cái thùng đó, nào mua được thì mua, nào hông mua được thì bỏ thùng rác giùm, còn tự tính tìền, tự trả cho ta. Thỉnh thoảng ta hỏi thăm giấy, sắt, đồng, nhôm... mua giá bao nhiêu để biết cho vui thôi. Còn rác từ trong bếp và các phòng khác ta đổ hàng ngày thì ta để thành 2 loại, loại hông ai thèm mua thì ta quăng vô thùng rác công cộng, loại có người mua thì ta để đống gần thùng rác đó để người ta đi lượm ve chai khỏi mắc công phải móc từ thùng rác ra. Là lợi đủ mọi đường. 

Lại nói nhảm

Lâu lắm mới đi ăn uống bên ngoài. Nói chung là từ Covid tới giờ ta hầu như chỉ ở nhà nấu ăn. Bánh, chè, các loại nước cũng làm lấy hết. Ăn riết ở nhà tới khi ra quán thấy nó dở thiệt. Hiếm hoi được, 1, 2 món ngon. Đó là quán mà người ta dẫn ta tới mà kêu là ngon đó. Nhớ hồi xưa mua cái gì đó về nhà, đôi lúc má kêu gì mà nó lạt lẽo vậy. Giờ mới cảm nhận được là nó lạt lẽo là như thế nào. Nó không phải lạt mà là lạt lẽo đúng như từ má nói. Hương, vị đều chẳng ra sao. Thậm chí ngay cả nước mắm cho người ta chấm dù rót nguyên từ chai ra cũng chẳng đậm đà gì hết. Chắc mua nước mắm dở vừa kho nấu vừa ăn sống. Ta toàn mua nước mắm ngon dù để kho nấu hay ăn sống cũng 1 thứ. Cơm nấu thì nhão mà còn ép xuống hông biết để làm gì luôn. Tất nhiên không đến nỗi nhão nhẹt. Người ta nấu cơm xong xới lên để cho nước bám xung quanh hạt cơm bốc hơi không tạo cảm giác ngán khi ăn cơm. này nấu vửa nhão vừa ép lại nữa. Cơm hông ra cơm, bánh hông ra bánh. Có nơi còn bỏ cái thứ lá gì vô đó, hông biết để làm gì luôn. Mỗi lần ta nấu cơm khi vừa chín tới thơm mùi thơm bay ngập cả nhà, thậm chí trên lầu còn ngửi thấy mùi cơm thơm, thấy đói bụng liền. Chỉ cái món cơm đã thấy dở, còn món ăn còn dở hơn. Là người ta không được ăn ngon nên người ta không biết như thế nào là ngon, chỉ là mặn mặn nhọt ngọt béo béo bùi bùi là ngon. Đôi khi ngon vì cái lỗ tai. ai cũng khen nó ngon mình chê nó dở người ta kêu không biết thưởng thức hay là kiêu căng phách lối. Nói chung món nào ra món nấy, chớ có phải nấu cháo heo đâu mà hông cảm giác món này khác món kia. Tự dưng nhớ hồi lâu kia, đi ăn uống với mọi người, chị kia ngồi gần ta có răng nguyên hàm giả. Hồi xưa chưa có vụ implant mà. Ông kia ổng gắp miếng mực hấp định bỏ vô chén chỉ, ta kêu chỉ hông ăn mực đâu để đó cho em xử lý. Chỉ nói nhỏ với ta chị cám ơn em, chị răng giả hông nhai mực được. Ta cười em biết mà nên chặn đứng ngay từ đầu chị hông khó xử mà ảnh cũng hông khó xử. Giờ ăn mực hấp chỗ kia, nó cũng cứng ngắt như vậy. Mực hấp vừa chín tới nó mới mềm, hấp lâu nó cứng lại, nếu thích thì bỏ chung mấy miếng thơm rồi hấp nó cũng mềm. Ở nhà ta ít khi ăn mực hấp mà chỉ là kho với thịt hay mực nhồi hay xào chung với thơm, cà chua, dưa leo, cần tây.  

Bịnh thiệt

Mafia là tổ chức tội phạm cấu kết với chính quyền địa phương hay quốc gia để kiếm tiền bằng mọi hình thức kể cả vi phạm pháp luật hay chỉnh sửa pháp luật để đem lại lợi ích cho băng đảng đó, vì vậy chúng có thể phạm tội ác như giết người , đốt nhà, gây thương tích... để đạt được lợi ích cho tụi nó và có sự tiếp tay bao che của quan chức tại địa phương đó hay của quốc gia đó. Mức độ tội phạm có thể ở tầm khu vực, địa phương hay cả một quốc gia tùy kiểu lập pháp, hành pháp và tư pháp của quốc gia đó. 

Làm cách nào để tránh mafia. Rất khó. Cách đơn giản nhất là không tiếp xúc và có bất cứ giao dịch với mafia, cho dù nó mang lại lợi ích nhất thời cho bản thân. Vì lợi ích của mình là đến từ thiệt hại của người khác, thậm chí có khi là từ máu của người người khác. Chỉ khi bị mafia khống chế bắt cuộc không có lựa chọn nào khác thì mới phải chấp nhận, mà vô thế phải dùng thì cố gắng hạn chế sử dụng, càng ít càng tốt. Muốn làm việc tốt đầu tiên phải có hiểu biết đúng đắn và khôn ngoan, thứ nữa là cần dũng cảm. Việc tốt ở hành động chớ việc tốt không phải chỉ ở cái miệng nói. Nói chung đừng có tin bất cứ loại động vật nào có miệng ngay lập tức mà phải suy xét đã. Chẳng hạn không mua hàng hóa nó bán, không mua nhà cửa, mua máy móc, xe cộ, sử dụng dịch vụ của nó cho dù giá rẻ bất ngờ, và cũng không cố gắng để bán bất cứ cái gì từ hàng hóa đến dịch vụ cho nó trừ trường hợp không thể tránh. Phải hiểu rằng nếu kiếm lợi từ mafia là lòng tham nhỏ nhen của mình đang đẩy người khác tới chỗ chết, và tới lúc nào đó nó cũng sẽ đẩy mình tới chỗ chết. Trong trường hợp này mình hưởng lợi từ nó và món lợi đó đến  từ thiệt hại của người khác thì trường hợp khác người ta sẽ hưởng hợi từ thiệt hại của chính bản thân mình, thậm chí cái chết của mình.