Tôi đã sắp sẵn một xếp giấy để viết truyện ngắn thứ 2, nhưng ý tưởng bay đi đâu hết cả. Tôi giở lại cuốn sổ tay, hy vọng có thể tìm ra một ý nào đó trong những mẩu ghi chép cũ, nhưng cũng chẳng ăn thua. Không có ý nào có thể phát triển thành truyện ngắn được. Tôi bỗng cảm thấy đói. Cái bệnh tôi nó như vậy. Nghĩa là cứ khi nào không viết lách gì được, là y như lại nghĩ đến chuyện ăn uống hay một chuyện linh tinh gì đó. Tôi leo lên gác. Trong nhà im lặng như tờ. Mọi người đã ngủ cả. Tôi mò xuống bếp. Cơm canh đã nguội ngắt. Ai mà đi hâm được?... Cuối cùng tôi kiếm được đĩa cá sácđin, mấy quả cà chua, một ít mỡ và dăm miếng dưa. Sau đó tôi lại quay về bàn làm việc, ngồi bóp trán suy nghĩ. "Mình buồn ngủ hay sao thế này?" Tôi nghĩ vậy, rồi dần dần thiếp đi thật. Tôi lại còn nằm mơ nữa. Tôi mơ thấy hình như tôi lạc đến một nước nào xa lạ. Tôi không biết đích xác đó là nước nào. Tôi bước vào một gian phòng rộng mênh mông. Không hiểu các bạn thế nào, chứ tôi thì tôi tin rằng những cái gì thấy trong mơ thì không bao giờ có trong thực cả. Xung quanh chiếc bàn dài kê ở giữa phòng có nhiều người đang ngồi. Tôi đến đây với một trọng trách. Tôi không biết chính xác tôi đang ở đâu và người ta đang làm gì ở đây, nhưng không dám hỏi, vì sợ người ta cười, bảo tôi là anh ngố, không biết cả chỗ mình đang ở là chỗ nào nữa! Vì thế tôi cứ phải xem mọi vậy xung quanh mà cố tự phán đoán lấy. Có lẽ tôi đang ở Châu Mỹ, nhưng có thể tôi đang ở Châu Âu cũng nên... Người ta đang hội đàm. Ðại biểu nước tôi chỉ có độc mình tôi. Trông người nào cũng bệ vệ.
- Rất hân hạnh được đón tiếp ngài!
- Một vị đại biểu nói với tôi.
- Cám ơn các vị! - tôi đáp.
- Ngài sẽ cho chúng tôi được biết tình hình đất nước ngài chứ?
Tôi run quá, nhưng rồi cũng tự động viên: "Có gì mà run! Ðây chỉ là mơ thôi mà!" Nhưng mơ thì mơ, chứ nhỡ ra...
- Vâng. Tôi sẵn sàng kể cho các vị nghe tất cả những gì tôi biết.
- Nước ngài đang ở tình trạng chậm tiến có phải không? - người ta hỏi.
Tôi bỗng thấy ngột thở. Lạy thánh Ala ! Tôi biết trả lời với họ thế nào bây giờ? Nếu tôi bảo: "Vâng. Tôi ở nước chậm tiến đến!" thì có nghĩa là tôi tự thoá mạ nước tôi trước mặt các quan khách quốc tế. Và theo luật hình, như thế tôi sẽ bị khép vào tội khinh quốc thể. Nhưng nếu bảo: "Không phải. Sao lại chậm tiến? Nước tôi tiến ghê gớm ấy chứ lại!" thì hoá ra tôi nói dối! Nhưng thôi. Thà nói dối còn hơn bị kết tội khinh quốc thể. Nói dối thì chẳng bị tội gì cả.
Tôi bèn hét lên:
- Ai bảo các ngài thế? Ðó là điều bịa đặt và xuyên tạc, thưa các vị! Xin các vị chớ quên rằng chúng tôi có rất nhiều kẻ thù. Chúng luôn luôn tìm cách tuyên truyền nói xấu chúng tôi. Mọi người há hốc mồm kinh ngạc.
- Nghĩa là chúng tôi đã nhận được một thông tin không chính xác?... 1 người nào đó nói, nhấn mạnh từng chữ.
- Vâng, tất nhiên rồi!
- Chúng tôi hiểu. Các ngài là dân tộc rất tự trọng, nên khi người ta gọi các ngài là "chậm tiến" thì các ngài tức giận. Nếu vậy, chúng tôi sẽ không dùng cái tên ấy nữa, mà sẽ thay bằng mấy chữ "chậm phát triển". Như vậy chắc ngài thấy ổn chứ?
- Không! Như thế cũng không được! Chúng tôi không phải là những người chậm phát triển, mà trái lại, chúng tôi là những người rất, rất chi là phát triển!! 1 lần nữa, mọi người lại sửng sốt, quay sang xì xào với nhau.
- Thế hiện nay ở nước ngài còn nhiều thành phố chưa có điện không? Nếu tôi bảo còn, thì rõ ràng tôi tự bôi nhọ nước tôi. Chà! Quỷ bắt tất cả các người đi!
- Không! ở nước chúng tôi, từ các thành phố lớn cho đến các làng mạc xa xôi hẻo lánh, nơi nào cũng có điện hết!
- Hoan hô!... Hoan hô!... Tuyệt thật!
- Nhưng nghe nói giá điện bên nước ngài đắt lắm thì phải? Bao nhiêu tền 1 kw nhỉ?
- Cái gì? Ðiện ấy à? Ðiện bên chúng tôi đắt ấy à? Nhưng bên nước tôi điện có mất tiền đâu!... Không mất tí nào cả! Lại còn mất tiền điện nữa có mà chết!
- Tuyệt quá nhỉ!... Trứ danh thật!...
Tôi hả hê lắm: tôi đã khéo giới thiệu nước tôi với quan khách quốc tế. Ước gì báo chí đăng lại những lời phát biểu của tôi để đồng bào tôi thấy được tôi đã biết cách tuyên truyền có lợi cho đất nước như thế nào!
- Người ta đồn rằng tiền nhà bên nước ngài rất cao. Nhà cửa thì khan hiếm... 1 người dân trung lưu phải mất đến nửa số thu nhập vào tiền nhà. Phải thế không? Một tiếng nói bên trong thúc giục tôi: "Nói đi! Nói hết sự thật đi!" Tôi bảo nó: "Tôi sợ lắm! Mọi người sẽ phản đối tôi". Giọng nói vẫn năn nỉ: "Sợ gì! Ðây chỉ là mơ thôi mà! Họ có thấy giấc mơ của anh đâu. Họ có biết đâu những điều anh nói! Cứ nói hết sự thật đi."
Mồ hôi tôi vã ra như tắm. Tôi lấy khăn lau trán, rồi cười lớn:
- Hahaha!... Té ra các vị hình dung nước tôi như vậy đấy! Tôi không thể phát biểu gì thêm về chuyện này. Chỉ cần chúc cho cái bọn độc mồm độc miệng chết quách đi cho rồi! Dân nước tôi không hề biết thế nào là nhà cửa khó khăn cả! Các vị nghe rõ chưa? Cũng như ở tất cả các nước văn minh, chúng tôi được sống trong những ngôi nhà rất đẹp, tiện nghi đầy đủ, mà chỉ mất có 10% thu nhập thôi!
- Thế còn các công chức?
- Các công chức thì được phân nhà tuỳ theo số người trong gia đình. Nói chung là họ được ở rất rộng rãi, và tiền nhà phải trả rất ít, đến mức gần như là được cho không.
- Nghe nói bên nước ngài, những người chủ nhà không cho các gia đình có con thuê nhà có phải không?
- Hahaha! Láo toét! Ai nói với các vị thế? Bên chúng tôi người thuê nhà thậm chí không biết mặt mũi chủ nhà là ai cả. Chỉ biết mỗi cái gọi là Hội đồng nhà cửa thuộc Toà thị chính thôi! Khi nào cần nhà, người ta chỉ việc đến đó mà nó đại khái như: "Tôi cần một căn nhà 5 buồng. Nhà tắm có lát gạch men xanh, chứ màu hồng thì không thích hợp. Vì màu hồng ảnh hưởng đến thần kinh vợ tôi.
- Chà! Nước thế mới gọi là nước chứ! - các đại biểu trầm trồ thán phục - Hoan hô! Hoan hô nước ngài!
Tôi được thể càng ra sức khoe khoang tâng bốc nước tôi.
- Nhưng nghe đâu đời sống bên nước ngài khó khăn lắm thì phải. Những người lương thấp sống rất thiếu thốn. Ngay tầng lớp trung lưu cũng thế?
- Lại còn có chuyện thế nữa kia đấy! Thưa các vị, các vị nhớ cho rằng dân nước tôi mà sống khó khăn thiếu thốn, thì đó chỉ là theo giọng lưỡi của báo chí nước ngoài mà thôi. Ðồng bào chúng tôi rất nhân đạo, nên hết sức thông cảm với những người nghèo khổ. Dân nước tôi không hề biết đến những khó khăn về đời sống, và nói chung là họ không biết đến bất cứ khó khăn gì! Cầu thánh Ala cho đồng bào tôi đừng bao giờ biết đến những chuyện đó! Còn tầng lớp trung lưu ở nước tôi sống rất hạnh phúc. Họ có nhờ tôi chuyển đến các vị lơi chào đặc biệt. Họ còn dặn tôi khi đến đây phải cải chính các tin đồn nhảm mà các vị nghe phải.
- Thế còn các vấn đề như nạn thất nghiệp, điều kiện lao động vất vả và lương công nhật thấp kém thì sao?
- Trời ơi các vị! - tôi kêu lên - Các vị muốn tin ai? Tôi hay những lời đồn nhảm nhí linh tinh?
- Tất nhiên chúng tôi tin ngài.
- Nếu vậy các vị hãy nghe đây: Trước hết tôi xin nói về công nhân: Công nhân bên nước chúng tôi sống rất sung sướng, các vị có hiểu không? Tôi không biết có nước nào công nhân được hưởng lương cao như công nhân nước tôi không? Tôi chắc là không! Không có nước nào cả! Lương công nhân nước tôi cao đến nỗi họ không biết tiêu gì cho hết. Tôi xin tiết lộ với các vị 1 điều bí mật: nếu người công nhân của chúng tôi tích lại số tiền thừa của mình, thì chỉ trong 1 tháng anh ta có thể xây được cả 1 nhà máy! Nhưng anh ta cần nhà máy làm quái gì? Cái gì anh ta cũng có đủ rồi.
- Chà! Chà!... Thế mới gọi là nước chứ! Ôi! Giá hãng thông tin quốc gia biết được chuyện tôi ca tụng nước tôi và đưa tin cho tất cả mọi người biết về giấc mơ này của tôi thì hay biết chừng nào!
- Thế vấn đề giáo dục ở bên ngài ra sao? Người ta bảo 80% dân số nước ngài còn mù chữ có đúng không?
- Bậy! ở nước tôi ai cũng biết đọc biết viết hết! Mà còn biết nhiều đến nỗi người ta chán không muốn đọc muốn viết nữa. Tôi đố cá vị tìm thấy ở nước tôi 1 người nào mù chữ đấy! Các giáo sư, nhà báo, nhà văn của chúng tôi hoặc là làm nghề viết, hoặc làm nghề đọc. Số người làm được cả 2 nghề tuy không nhiều lắm, nhưng văn sĩ và độc giả ở bên tôi cứ gọi là vô thiên lủng! Trường học ở nước tôi nhiều đến nỗi muốn làm đường sá mới thì phải phá bớt trường đi mới có chỗ mà làm. Còn giáo viên thì không đếm xiết được! Ði đâu cũng gặp toàn giáo viên là giáo viên!
- Thế sao bảo các ngài phải xin nước ngoài viện trợ cho các tấm lều bạt để làm lớp học?
- Haha! Ðó là chúng tôi nói đùa thế thôi! Vì không muốn để các nước khác biết sự hùng mạnh của chúng tôi, nên chúng tôi phải vờ làm ra vẻ thiếu trường học.
- Tôi thấy hình như không phải thế! - Một vị đại biểu đứng phắt dậy - Tôi có đọc báo của các ngài. Trong những bài châm biếm của ngài, tôi thấy ngài luôn luôn kêu về nạn thiếu trường sở và thiếu giáo viên.
Tôi cười lớn:
- Hahaha! Thế mà các ngài cũng tin là thật ư? Tôi viết thế chẳng qua cốt tạo ra cái chuyện trái ngược mà thôi! Vì dân nước tôi rất thích những chuyện ngược đời. Nếu viết rằng mọi chuyện đều tốt đẹp cả thì họ lại không thích. Vì thế muốn tạo ra những chuyện trái ngược, tôi phải viết rằng ở nước tôi thiếu trường học vân vân... Có thế họ mới mua báo. Nhưng đó là cách tuyên truyền trong nước thôi, còn tuyên truyền ra nước ngoài thì lại khác...
- Nghe nói bên nước ngài đường sá mở mang cũng chậm lắm thì phải. Những con đường hiện có thì rất tồi!
Tôi đã ngán ba hoa lắm rồi, nên đứng dậy bảo:
- Thôi đủ rồi, tôi phải đi đây!
- Ði đâu? Ngài không thể đi đâu cả, vì ngài đang nằm mơ kia mà! Nghĩa là họ cũng biết đây là 1 giấc mơ!
- Thôi, các ngài buông ra để tôi đi!
- Nhưng ngài định đi đâu?
- Về nước tôi chứ còn đi đâu? Tôi định tiến ra cửa, nhưng bị mọi người chặn lại, dồn vào góc phòng.
- Buông tôi ra! - tôi hét lên.
- Ngài đang nằm mơ, ngài không thể đi đâu cả. Các bạn đã từng gặp những cơn ác mộng nên chắc biết: trong cơn mộng mị, lúc sợ quá, bạn định bỏ chạy, nhưng chân bỗng ríu lại, muốn thét thật to lên, nhưng tiếng tự nhiên mất hẳn. Lúc này chính tôi cũng đang ở trong tình trạng như thế. Tôi muốn bỏ chạy mà chân không sao cử động nổi.
- Chúng tôi muốn hỏi ngày một câu nữa - Một người khác đứng dậy bảo - ở nước các ngài có tự do hay không?
Sợ quá, tự nhiên tôi nói không thành tiếng nữa.
- Hừm... hừm... hừm... - tôi cứ ú a ú ớ. Tiếng nói bị tắt trong họng.
- Ngài nói đi chứ! ở nước ngài có tự do hay không?
Tôi tự khích lệ: "Có quái gì mà sợ! Dù sao đây cũng chỉ là mơ thôi. Ta chẳng sợ ai hết." Nhưng sao tôi vẫn thấy run quá. Giọng nói bên trong lại thì thầm giục tôi: "Ðúng rồi! Ðây chỉ là giấc mơ thôi!"
- Nói đi! Nói đi! Có tự do ở nước ngài hay không? - mọi người lại nhao nhao giục tôi.
Cuối cùng tôi cũng lấy lại được tiếng nói. Tôi lắp ba lắp bắp:
- Có!... Có nhiều... Nhiều lắm!....
- Mọi thứ tự do đều có chứ?
- Các ngài muốn hỏi những thứ tự do gì?
- Tự do báo chí chẳng hạn!
- Ồ, cái đó tất nhiên là có rồi! Tự do gì chúng tôi cũng có hết! Chúng tôi có đủ các thứ tự do. Cả tự do báo chí nữa! Muốn bao nhiêu cũng có. Nhưng thôi, các ngài cho tôi đi đi!
- Nghĩa là ở nước ngài có đủ các thứ tự do?
- Tôi đã trả lời rồi mà: Có đủ hết!
- Tốt lắm! Nhưng nghe nói luật báo chí cũ ở nước ngài vẫn còn có hiệu lực. Thế thì đó là cái tự do gì?
Ðến phải biến thành hơi nước thì mới thoát khỏi tay họ được! Trong giấc mơ, người ta thường hay bay. Tôi giang 2 tay như đôi cánh định bay, nhưng bị cái gì như cục chì giữ chân lại, không sao rời khỏi mặt đất được. Chắc tại tôi ăn no quá nên nặng bụng, chứ không thì tôi đã bay bổng như chim rồi!
- Thế nào? Có đúng là luật báo chí cũ vẫn còn hiệu lực không? Ngài trả lời đi!
- Ừ, đúng là vẫn còn cái luật ấy đấy! Nhưng việc gì đến các ông nào! Cái luật ấy còn, nhưng chúng tôi không áp dụng... Cũng như chúng tôi vẫn còn giữ những khẩu đại bác mà Phatích đã dùng chiếm lại Xtămbun, nhưng chúng không bắn được nữa. Thế thì sao? Chả lẽ cũng phải phá đi à? Sở dĩ chúng tôi cố ý không thay luật báo chí phản dân chủ cũ, chẳng qua là muốn để nhắc nhở mọi người rằng họ đã từng phải sống 1 thời kỳ nghẹt thở như thế đấy! Nhưng bây giờ chúng tôi đã có tự do báo chí và nhiều thứ tự do khác nữa. Tự do ở nước chúng tôi nhiều đến mức người ta không biết dùng chúng làm gì nữa!
Thế còn tình hình kinh tế? Nghe nói ngân sách của các ngài bị thiếu hụt nhiều phải không? Xin ngài cho biết ý kiến về vấn đề này. Tôi lại bắt đầu vã mồ hôi. Biết trả lời thế nào bây giờ đây, lạy thánh Ala ?
- Chả lẽ tôi cứ mơ mãi, không bao giờ tỉnh lại hay sao? - tôi kêu lên tuyệt vọng.
- Nếu ngài không nói thật thì không bao giờ ngài tỉnh lại được đâu! Nhưng nói thật thì tôi lại bị mang tội nói xấu Tổ quốc mất! Ôi, sao mà khó xử thế này hả trời!
-Tình hình kinh tế nước tôi không đến nỗi tồi tệ như các vị tưởng đâu. ý tôi muốn nói là nó... rất... tốt đẹp, rất rực rỡ. Rực rỡ đến nỗi có thể làm người ta loá mắt!... Còn ngân sách thì lúc nào cũng rất thăng bằng.
Tôi còn định nói nhiều nữa, nhưng bị mọi người ngắt lời.
- Thôi được rồi! - Một vị ngồi dự nói - Chúng tôi mời ngài đến đây cốt để ngài cho biết rõ sự thật, để nếu thấy cần thiết, thì tổ chức quốc tế sẽ giúp đỡ các ngài, chẳng hạn ưnh cấp vốn, hoặc cho ngài vay tiền... Nhưng vì tất cả mọi thứ ở nước ngài đều tốt đẹp cả, nên chúng tôi thấy không cần phải giúp đỡ gì nữa. Thôi xin chúc ngài mọi điều may mắn. Tạm biệt ngài. Ðến lúc này tôi mới chợt tỉnh và hiểu ra rằng hoá ra người ta phái tôi đến đây là để xin viện trợ của nước ngoài.
- Tốt quá! Nhưng sao các ngài không cho tôi biết trước? Nếu biết trước, có phải tôi đã tuyên truyền nước tôi theo cách khác rồi không?
- Thôi xin chào ngài! Tôi khóc nức lên vì đau xót. Thì các bạn cứ nghĩ xem. Giá tôi dám nói hết sự thật, thì có phải nước tôi đã nhận được trợ giúp của các nước rồi không? Thế nhưng tôi lại sợ nếu nói thật thì sẽ bị kết tội nói xấu quốc gia. Thế là tôi đã bỏ lỡ một dịp may hiếm có! Tiếng khóc làm tôi bừng tỉnh. Trời vẫn chưa sáng. Tôi bật đèn lên. Ðúng là trong mơ tôi đã khóc thật. Tôi lau những giọt nước mắt, rồi ngồi ghi ngay lại cơn ác mộng này. Chả lẽ đêm cứ tối mãi và trời không bao giờ sáng được hay sao?
Người dịch: Nguyễn Chí Được
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét